Trường học là kênh truyền đạt kiến thức một cách có hệ thống
Việc đổi mới
phương pháp dạy học theo hướng tích cực đã khiến mối quan hệ thầy - trò
trong nhà trường bắt đầu có sự thay đổi. Vị trí trung tâm của người thầy
giáo không còn ở nghĩa nguyên thuỷ và đã bắt đầu dịch chuyển sang học
sinh. Thầy giáo không chỉ đơn thuần truyền thụ kiến thức cho học trò
tiếp nhận mà còn là sự phản ảnh trở lại của trò. Trong thời đại bùng nổ
thông tin, khi học sinh có nhiều kênh tiếp nhận thông tin thì trường học
phải là kênh duy nhất truyền đạt kiến thức một cách có hệ thống, trong
đó, thầy giáo đóng vai trò là người hướng dẫn. Trên quan điểm như vậy,
khoảng 3 năm trở lại đây, trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) khuyến khích
mọi học sinh phải chuẩn bị bài mới trước khi đến lớp để có thể hình dung
trước những khái niệm, kiến thức sẽ phải tiếp thu và khắc sâu. Trong
năm học này, giáo viên trường THPT Trần Phú đều quán triệt phải tăng
cường dò bài học sinh, qua đó góp phần giúp các em có khả năng diễn đạt
bằng ngôn ngữ nói một cách có hệ thống, tự tin khi trình bày trước tập
thể. Trường THPT Phan Châu Trinh - được Sở GD&ĐT Đà Nẵng chọn để
triển khai thí điểm phong trào “trường học thân thiện, học sinh tích
cực” - lại phát động trong học sinh tham gia dự thi làm ĐDDH sau các
tiết học. Ông Lê Phú Kỳ - Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: “Đây là cách
để kiểm tra mức độ vận dụng của học sinh đồng thời cũng là cơ hội để
các em tham gia cải tiến giờ dạy có chất lượng cao hơn”.
Ông Nguyễn
Quang Long - Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú cho rằng để có “học sinh
tích cực” thì thầy, cô giáo phải có phương pháp giảng dạy tích cực. Cần
phải thừa nhận một thực tế là trong một lớp học, số “học sinh tích cực”
thường rơi vào những em có học lực và hạnh kiểm khá - giỏi. Việc đổi mới
phương pháp giảng dạy của giáo viên, vì thế, phải hướng tới mục tiêu
lôi cuốn sự tham gia của tất cả học sinh. Từ năm học trước, việc ứng
dụng CNTT vào giảng dạy được các giáo viên trường THPT Trần Phú tích cực
hưởng ứng để tăng thêm hiệu quả, tính sinh động cho giờ học. Nhà trường
đã dành hẳn hội trường cho các tiết học có sử dụng máy hình, đèn chiếu.
Riêng trường THPT Phan Châu Trinh đã lên kế hoạch tổ chức một số hoạt
động sáng tạo, phát huy trí tuệ và năng lực hoạt động của học sinh như
thuyết trình, lập báo cáo, làm mô hình kỹ thuật, viết phần mềm tin học,
sáng tác thơ văn… Các tổ bộ môn cũng sẽ giao một số đề tài nghiên cứu
nhỏ cho học sinh thực hiện như: sưu tầm tranh ảnh, tài liệu theo chủ đề…
Để tạo thêm sân chơi cho học sinh, tuỳ vào sở trường của mình, các em
có thể tham gia các CLB Lý, Hoá, Sinh, Thiên văn, CLB Kỹ thuật…
Tự tin với kỹ năng sống
Ông Vũ Bá Bảo
- Trưởng phòng GD&ĐT quận Sơn Trà khẳng định: “Các trường không tốn
kém quá nhiều thời gian và công sức khi tiến hành xây dựng “trường học
thân thiện, học sinh tích cực”. Trong khuôn khổ của đề án “Bảo tồn và
phát huy những giá trị văn hoá vùng biển quận Sơn Trà”, từ tháng 4.2008,
các trường học trên địa bàn quận đã triển khai giới thiệu cho học sinh
những giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của quận. Những buổi
ngoại khoá, chào cờ đầu tuần… được nhà trường lồng ghép kể chuyện về
tấm gương các danh nhân, anh hùng liệt sĩ tiêu biểu của quê hương; giới
thiệu các hình thức diễn xướng đặc trưng của xứ Quảng như hát bội, hô
bài chòi, hát bã chạo… Ngoài việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống
lịch sử và văn hoá, khi đưa vào trường học, đề án “Bảo tồn và phát huy
những giá trị văn hoá vùng biển quận Sơn Trà” còn có tham vọng góp phần
xây dựng và hoàn thiện nhân cách cho học sinh khi phát động phong trào
“Không nói tục chửi thề”, “Gọi bạn xưng tên”, “Kính trên nhường dưới, lễ
phép với thầy cô giáo, người lớn tuổi”… Tuy nhiên, theo ông Bảo, để học
sinh có điều kiện “tích cực”, ngoài hoạt động giảng dạy của giáo viên,
thì tổ chức sinh hoạt Đội phải ở mức quy mô liên đội mới có hiệu quả,
thu hút sự tham gia của đa phần học sinh.
Các CBQLGD
đều thống nhất rằng mục tiêu của “học sinh tích cực” là học sinh được
tham gia các hoạt động trong nhà trường một cách chủ động, được bộc lộ
quan điểm, rèn luyện các kỹ năng và hình thành quan hệ tốt trong giao
tiếp với thầy cô và bạn bè. Nhiều trường THPT ở Đà Nẵng bắt đầu tính đến
chuyện tổ chức những hoạt động như hội chợ (vào dịp lễ, tết), hội thảo
về phương pháp học tập, các buổi văn nghệ, trò chơi… để học sinh tự tham
gia nhằm rèn luyện kỹ năng mềm để ứng dụng vào cuộc sống như thuyết
trình, xây dựng hình ảnh bản thân, phương pháp làm việc nhóm… Từ phong
trào xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, các trường học
đã hướng đến một tham vọng lớn hơn: xây dựng một môi trường sư phạm
thực sự lành mạnh, trong đó, học sinh biết bảo vệ danh dự của nhà
trường, của tập thể lớp và của chính bản thân mình; biết bảo vệ cái
đúng, phê phán cái sai… Và để làm được điều này, cần phải có sự chung
tay của cả gia đình và cộng đồng.
|